Tuyên truyền, giữ gìn làn điệu dân ca, Bài Chòi
Trong không khí của ngày lễ, trên sân trường THCS tràn đầy sắc màu nghệ thuật dân gian của các nghệ nhân, với các giọng ca mượt mà sâu thẳm đã gây ấn tượng cho hơn 532 đội viên của liên đội.
Dân ca, bài chòi là vốn di sản phi vật thể có giá trị đặc sắc góp phần làm phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương xã Bình Thuận. Tại xã Bình Thuận (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cư dân có nhiều cách làm hay, sáng tạo để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó…
Thành lập vào năm 2000, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca bài chòi xã Bình Thuận đã duy trì hoạt động hiệu quả và là điểm sáng của phong trào văn hóa- văn nghệ trên địa bàn H. Bình Sơn. CLB hiện có 10 thành viên, gồm chủ nhiệm, nhạc công, anh Nguyễn Văn Thu- chị Bùi Thị Nữ Dịp và các nghệ sĩ không chuyên. Với lòng nhiệt huyết và đam mê dân ca bài chòi họ đã tự nguyện tập hợp thành CLB như các chị Huỳnh Thị Trang, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Văn An, Anh Lê Quang Minh, Anh Nguyễn Thức… đều là người dân lao động, bám vườn bám biển sinh kế hằng ngày nhưng với nỗi đam mê và có chút năng khiếu văn nghệ, họ đã tranh thủ tập tành, rèn giọng thường xuyên. Được chính quyền xã Bình Thuận ủng hộ, các "diễn viên" đã học hát dân ca, bài chòi, "tầm sư học đạo" những làn điệu dân ca đậm chất xứ Quảng.
Anh Nguyễn Văn Thu - Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB dân ca bài chòi xã Bình Thuận ban đầu không có sự đầu tư kinh phí nhiều. Điều quan trọng nhất là các thành viên luôn đoàn kết, nhiệt tâm với CLB và tranh thủ thời gian tập luyện, trau dồi để biết cách hô hát sao cho đúng làn điệu với mong muốn phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân, bảo tồn phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Qua hơn nhiều năm, CLB đã duy trì và tổ chức khá bài bản các hoạt động tại nhà văn hóa thôn, xã vào những ngày lễ, Tết…
Ngoài tập luyện, tổ chức biểu diễn định kỳ, CLB còn đi giao lưu với các địa phương ở ngoài tỉnh.
Hiện nay, các thành viên của CLB đa phần đã lớn tuổi, anh chị em luôn băn khoăn trước sự khó khăn của nghệ thuật dân ca, bài chòi đối với lớp trẻ. Vì vậy, CLB đã đề xuất đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học. Qua đó giúp các em học sinh trên địa bàn tiếp cận với làn điệu dân ca xứ Quảng và các thành viên CLB sẽ trực tiếp hướng dẫn kiến thức cơ bản và kỹ năng biểu diễn cho học sinh.
Với sự hỗ trợ từ địa phương, trong các năm học vừa qua, CLB đã hình thành CLB Tiếng hát dân ca trường THCS Bình Thuận, với nhiều học sinh tham gia. Các buổi học bài chòi của các em được anh Nguyễn Văn Thu là nhạc công kiêm sáng tác những bài ca mới phù hợp các lứa tuổi các em đã trực tiếp hướng dẫn. Được tổ chức trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, qua quá trình dạy học hát dân ca, bài chòi đã phát hiện ra nhiều em có tố chất để cùng tham gia với CLB xã. Học sinh tham gia CLB Tiếng hát dân ca của nhà trường chính là thế hệ tiếp nối góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật quý báu này. Nhờ vậy mà nghệ thuật bài chòi được lan tỏa, vừa phục vụ cho nhu cầu giải trí của nhân dân, vừa duy trì, truyền lửa đam mê về nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ”.